Tôi là sắc mầu thứ 7 trên cầu vồng

- Đừng mang chuyện đó về nhà.

 

Vậy là anh rất cáu rồi, cái ông chồng lúc nào cũng tự hào là người cởi mở, sẵn sàng chia sẻ mọi quan điểm mới mẻ về công việc với vợ.

 

- Đừng nói chuyện đó trước mặt con.

 

- Nhưng vì sao vậy anh?

 

- Anh không muốn con bị ảnh hưởng. Anh muốn nó bình thường

 

- Nhưng người đồng tính nữ thì có gì là không bình thường? số ít đâu có nghĩa là bất thường.

 

-  Ừ, thì họ bình thường, vậy nếu có thể lựa chọn, em có muốn con gái mình là một người đồng tính nữ không?

 

Tự nhiên, tôi thấy mình bất động, và trong chốc lát, tôi thật sự không biết phải trả lời ra sao, thậm chí là nghĩ như thế nào về chuyện ấy. Tôi có muốn con gái mình là người đồng tính nữ không ư?

 

***

 

Ngày chuẩn bị tham gia khóa tập huấn kĩ năng tư vấn cho đồng tính nữ, tôi có rất nhiều câu hỏi thầm trong đầu. Ví dụ như một Lesbian trông như thế nào? Suy nghĩ, hành động ra sao? hoặc có khác biệt gì so với người dị tính hay không? 

 

Những nỗi buồn

 

Rõ ràng là người đồng tính nữ phải đối mặt với rất nhiều nỗi buồn. Dù ít nhìn thấy tận mắt, nhưng tôi có thể cảm nhận về chúng qua những lời tâm sự của các bạn khi gọi đến đường dây 04.37759335. Có tiếng khóc, có giọng nói nghẹn ngào, và rất nhiều những tâm sự cần san sẻ.

 

Thủy là sinh viên trường Y, cô có ý thưc rõ rệt về bản thân, biết mình là ai và mình muốn gì. Điều khiên cô day dứt, băn khoăn chính là phải làm sao để công khai xu hướng tình dục với gia đình. Theo lời cô kể, tôi biết đó là một gia đình trí thức truyền thống, khắc kỉ từ công việc, lối sống đến cách suy nghĩ. Đôi lần, Thủy thử chia sẻ câu chuyện về những người đồng tính nữ với ba mẹ nhưng cả nhà gạt đi, và tỏ vẻ khinh miệt ra mặt. Thủy đã nghĩ sẽ dấu kín chuyện này đến hết đời nhưng vào lúc đang tuyệt vọng ấy cô lại gặp Tuyết, người bạn gái hiện tại.  Cô yêu Tuyết thật lòng và cũng muốn nhận được từ ý trung nhân một tình cảm như vậy Nhưng trái ngược với Thủy, Tuyết là một Lesbian đã come out hoàn toàn. Cô nhất định đòi Thủy phải công khai chuyện tình cảm với gia đình nếu không thì ai đi đường nấy.

 

Thủy không sai khi cô chưa sẵn sàng lộ diện, nhưng Tuyết cũng đúng khi muốn là chính mình. Cô không muốn mỗi lần nhắc về mình với ba mẹ, Thủy chỉ nói gọn lỏn một câu: Đó chỉ là bạn bình thường…

 

Khi yêu, một cô gái dị tính có thể nắm tay chàng trai của mình, ôm anh ấy và nói cho cả thế giới biết rằng: Tôi đang yêu

 

Nhưng cũng trong trạng thái tương tự, một cô gái đồng tính chưa lộ diện- vì rất nhiều lý do- chỉ có thể đi cạnh người yêu, mong ước rằng một ngày nào đó mình có thể nói với cả thế giới rằng: Tôi đang yêu.

 

Những nỗi đau

 

Khi buồn, chúng ta khóc

 

Nhưng khi đau đớn, chúng ta chỉ có thể mím môi, nhắm mắt lại và hi vọng chuyện này là một cơn ác mộng.

 

Chẳng ai muốn là thực khi nhận được từ mẹ - người sinh ra mình, vô cùng yêu thương mình- những lời quặn thắt: “Sao tao lại đẻ ra đứa con thế này? Thà tao bóp chết mày khi vừa sinh ra còn hơn”, hay “Sao mày không giết mẹ đi hả con, giết mẹ rồi mà mày bình thường mẹ cũng cam lòng”. Vậy là một bà mẹ đau khổ, và một đứa con bị cho là tội đồ còn đau đớn hơn gấp mười.

 

Chẳng ai muốn là thực khi biết chuyện một ông bố đổ thuốc cho con gái để nhờ người ta hãm hiếp nó, làm nhục nó, mong cho nó biết thế nào là đàn ông. Người cha ấy không bệnh hoạn, không phải là quái vật, ông chỉ cùng quẫn thay đổi điều mà bản thân cho rằng không bình thường. Vậy là thêm một người cha tuyệt vọng và một đứa con tột cùng đau đớn.

 

Những điều hãi hùng trong cơn ác mộng sẽ qua đi nhanh chóng sau khi tỉnh dậy, nhưng những nỗi đau này sẽ theo người ta đến hết đời, dù là người ném đi hay người phải hứng chịu.

 

Những người “bị” đồng tính

 

Rất ít người, trong đó có cả người đồng tính, chấp nhận rằng đồng tính là một điều bình thường, cũng như dị tính. Hầu hết mọi người đều cho rằng đồng tính phải là một căn bệnh, một trào lưu, hoặc thậm chí là giống một loại virus mà người ta chỉ không may mắn bị nhiêm phải, bị lây nhiễm, bị ảnh hưởng.

 

 

Có lẽ vì vậy, câu hỏi mà những chuyên gia tư vấn trên đường dây hỗ trợ người đồng tính nữ nhận được nhiều nhất thường là.

 

- Tại sao nó lại bị đồng tính?

 

- Tại sao em/ tôi lại bị như vậy?

 

- Tại sao họ lại bị như thế?

 

Và các chuyên gia sẽ trả lời rằng:

 

- Nó/em/họ không “bị” đồng tính, mà họ “là” người đồng tính.

 

Đúng vậy, đồng tính không phải là một căn bệnh để cần phải chữa trị, không phải là một trào lưu để người ta lựa chọn hoặc kì thị, càng không phải là một Virus để cần phải cách ly.

 

Nếu xét theo logic bình thường, thì tại sao một người có bố mẹ là dị tính, được dậy học bởi những người dị tính, có quan hệ với những người dị tính khác, lại là người đồng tính? Rõ ràng, không ai có thể vì ảnh hưởng từ người khác mà trở thành đồng tính hay dị tính.

 

Chúng ta được sinh ra, mà không thể đặt mẫu trước với cha mẹ, hay các bác sĩ rằng: “Con muốn giống Bạch Tuyết, da trắng như tuyết, môi đỏ như máu và tóc đen như gỗ mun. Hãy sinh ra con như vậy” . Bạn hoàn toàn có thể vẫn xinh đẹp, giống một công chúa với mái tóc vàng, với làn da nâu, hoặc đôi môi tím nhạt.

 

Vậy thì đồng tính cũng giống như chuyện đã được quy định trước, chúng ta sinh ra, có những người dị tính, và cũng có những người đồng tính, không thể lựa chọn hoạc thay đổi, dù rằng, là thiểu số, sẽ khó được chấp nhận hơn và cần nỗ lực nhiều hơn.

 

Lá cờ cầu vồng

 

Cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính, chuyển giới) – cũng có một lá cờ riêng cho mình, lá cờ cầu vồng. Những gam màu khác nhau  trên lá cờ tượng trưng cho sự đa dạng của cộng đồng, thể hiện về tính chất của niềm hy vọng cũng như sự khát khao cho cộng đồng đồng tính trên toàn thế giới.

 

Có rất nhiều lý giải cho nguyên nhân khiến lá cờ ấy chỉ có 6 chứ không phải 7 như mầu sắc thật trên cầu vồng. Với riêng tôi, mầu sắc còn khuyết là để dành cho mỗi chúng ta, dù là dị tính hay đồng tính. Ta có sẵn sàng trở thành một mầu sắc trên lá cờ ấy hay không? sẵn sàng hòa mình vào thế giới hay không? Mầu sắc còn khuyết trên lá cờ nhắc nhở ta rằng  phải học cách đối xử thế nào với sự khác biệt của những người không giống ta, bởi nói cho cùng, chính sự phong phú đầy màu sắc mới tạo nên vẻ đẹp của thế giới này.

 

***

Đúng lúc anh nhìn tôi với vẻ đắc thắng, và nhắc lại câu hỏi:

 

- Thế nào, em có mong con gái sau này sẽ là người đồng tính nữ không?

 

Tôi nhìn anh, rất bình thản, và trả lời:

 

- Em không thể mong muốn con mình sẽ là ai, dị tính hay đồng tính, vì chẳng ai quyết định được điều đó. Nhưng em biết là con mình cần gì ở bố mẹ. Con cần tình yêu, sự tin tưởng và ủng hộ, dù cho nó là ai. Em là mầu sắc thứ 7 trên cầu vồng.

 

Vâng, tôi là mầu sắc thứ 7 trên cầu vồng.

 

 Tôi là sắc mầu thứ 7 trên cầu vồng

Bài viết khác

Bị gia đình coi là nỗi nhục bởi đồng tính

Khi biết em yêu một cô gái, mẹ đòi chết, bố nói: "Con bé hàng xóm dù có thai khi mới 15 tuổi, còn tốt đẹp hơn thứ mày đi quen một pêđê không ra gì".

Biểu hiện giống gay ở tuổi teen

Em là nam, 16 tuổi. Từ năm 12 tuổi, em bắt đầu có cảm giác thích các bạn trai cùng lứa.

Có nên công khai là les

Nhìn bên ngoài em khá nữ tính, dịu dàng nên trong công ty có nhiều người thích. Em chỉ biết từ chối khéo léo tình cảm của họ.

Ba ơi, ôm con với

Tôi ngồi rít thuốc ngoài thềm và cố tự giải thích mọi chuyện. Vợ tôi cũng ngồi cạnh, chẳng nói gì, chỉ thỉnh thoảng thở dài mỗi lần thấy tôi rút thêm thuốc.