Hội thảo Tiếp cận công lý cho phụ nữ bị bạo lực tình dục tại Việt

Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam – Đã tới lúc chấm dứt sự im lặng.

Cần phải có thêm nhiều nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực tình dục có thể tiếp cận công lý. Điều này đòi hỏi nhà nước cần có các biện pháp phòng chống bạo lực tình dục, bảo vệ phụ nữ, truy tố và trừng phạt tội phạm và trợ giúp cho người bị bạo lực. Các thông điệp này đã được nhấn mạnh tại toạ đàm hôm nay do Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng Giới và trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), Cơ quan phòng chống Ma tuý và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), CSAGA với sự hỗ trợ của GBVNet, tổ chức Care Quốc tế, tổ chức Plan Quốc tế và Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội ISDS tổ chức tại Hà Nội.

Tọa đàm “Tiếp cận Công lý cho Phụ nữ bị bạo lực tình dục ở Việt Nam” thu hút hơn 80 người tham dự, là đại diện từ các cơ quan thực thi pháp luật ở cấp quốc gia và cấp tỉnh, các tổ chức phi chính phủ làm việc về vấn đề bạo lực giới, các cơ quan Liên Hợp Quốc, các đối tác phát triển, và các cơ quan truyền thông. 

Mặc dù hiện tại chưa có thống kê số liệu quốc gia chính thức về các loại hình bạo lực tình dục khác nhau tại Việt Nam, số liệu từ một vài nghiên cứu trong quy mô nhỏ gần đây chỉ ra tình trạng báo động của bạo lực tình dục tại Việt Nam, việc chưa được báo cáo đầy đủ và các vụ việc vẫn thường bị hiểu nhầm. Các số liệu đó bao gồm:
• 87% phụ nữ và trẻ em gái đã từng bị quấy rối tình dục tại nơi công cộng
• Gần 30% phụ nữ hành nghề mại dâm tại Việt Nam cho biết họ đã từng là nạn nhân của bạo lực tình dục và 22% trong số họ đã từng bị cưỡng hiếp tình dục
• 10% phụ nữ đã kết hôn tại Việt Nam từng bị chồng tấn công tình dục.

Bạo lực tình dục có thể xảy ra tại gia đình hay nơi được cho là ‘an toàn’ và ‘bình yên’. Nhiều người còn cho rằng ‘cưỡng hiếp’ phải có yếu tố người lạ, bị ép buộc và/ hoặc để lại những tổn thương về thể xác cho nạn nhân. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây về 462 vụ việc cưỡng hiếp và tấn công tình dục đã chỉ ra một thực tế hoàn toàn khác. Trong 86% những vụ việc này, kẻ tình nghi lại có mối quan hệ quen biết với nạn nhân và phần lớn các vụ việc xảy ra tại nơi riêng tư mà không hề có sự tổn thương về thể xác.

Phát biểu khai mạc toạ đàm, bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện UN Women khẳng định: “Bạo lực tình dục thường xuyên bị xã hội che giấu. Khi một người phụ nữ nói rằng cô ấy bị cưỡng hiếp, ngay lập tức rất nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi là cô ấy đã làm gì để khêu gợi hành vi tình dục nhằm vào bản thân mình, có thể vì cô ấy đã tới nhầm một nơi nào đó vào nhầm thời điểm, hoặc do cô ấy ăn mặc không đúng đắn – vì nhu cầu tình dục của nam giới được mặc nhiên coi là bản năng tự nhiên của con người, còn ‘người con gái ngoan’ sẽ không chủ động về tình dục. Nghiên cứu Quốc gia năm 2010 về Bạo lực Gia đình cho thấy 87% phụ nữ bị bạo hành gia đình không tìm tới sự trợ giúp từ các cơ quan có thẩm quyền. Điều này có thể dễ dàng hiểu được tại sao.”

“Chúng ta phải ngay lập tức thay đổi quan niệm này. Vấn đề giới là do xã hội tạo nên. Nghĩa là,vai trò của phụ nữ và nam giới là được học và được hiểu từ xã hội và văn hóa xung quanh chúng ta. Nhưng điều này cũng có nghĩa là chúng ta cũng có thể thách thức và thay đổi”- Bà Shoko Ishikawa nhấn mạnh.

Tại sự kiện, ông Chris Batt, Quản lý văn phòng UNODC Việt Nam cho biết: “Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một vấn đề nghiêm trọng, tuy nhiên đây lại là một trong những loại hình tội phạm ít bị truy tố nhất trên thế giới. Hơn nữa, chủ đề về bạo lực tình dục lại thường bị coi là chủ đề nhạy cảm để thảo luận công khai vì sự kỳ thị đối với loại hình tội phạm này khiến những ai là nạn nhân buộc phải im lặng khi bị lạm dụng.”

“Sự im lặng trước bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái cần phải bị phá vỡ. Để đối phó hiệu quả với vấn nạn này, chúng ta cần một cách tiếp cận lâu dài, có hệ thống và toàn diện nhằm thừa nhận và bảo vệ quyền con người bình đẳng và đầy đủ của phụ nữ.” – Ông Chris nói thêm.

Tại toạ đàm, các đại biểu đã chia sẻ những câu chuyện có thật về những khó khăn mà phụ nữ bị bạo lực tình dục gặp phải khi tìm kiếm công lý. Viếc thiếu các định nghĩa rõ ràng và các điều luật đặc biệt đối với các tội danh quấy rối tình dục; khoảng trống trong chính sách và luật về bạo lực tình dục cũng như sự thiếu nhận thức về khuôn mẫu giới của những người làm việc trong lĩnh vực tư pháp và hỗ trợ người bị bạo lực tình dục cũng là vấn đề quan tâm chính của toạ đàm. Các đại biểu cũng thảo luận cách thức cải thiện những chính sách và luật hiện hành về vấn đề này, và đề xuất cách thức giải quyết cùng các khuyến nghị. Khuyến nghị tại tọa đàm sẽ được tóm tắt và chuyển tới với các cơ quan có thẩm quyền và đơn vị báo chí liên quan.

Tọa đàm là một hoạt động nằm trong Chiến dịch toàn cầu “16 ngày Hành động để chấm dứt bạo lực đối với Phụ nữ và Trẻ em gái” do Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban-Ki Moon phát động nhằm đưa ra thông điệp về việc không dung thứ cho bạo lực tình dục và các hình thức bạo lực khác đối với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu.

 

 

 Hội thảo Tiếp cận công lý cho phụ nữ bị bạo lực tình dục tại Việt

Dịch vụ khác

PC BLGĐ nhóm nam

Ngày 19/04/2010, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) phối hợp cùng LInh Tâm chính thức cho ra mắt đường dây tư vẫn Phòng chống bạo lực gia đình dành cho nam giới (04) 37759330 trong khuôn khổ dự án...

Phòng chống buôn người

Buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ và trẻ em, là một hiện tượng ngày càng gia tăng, gắn liền với tình hình di cư trong bối cảnh toàn cầu hóa và tự do thương mại trên thế giới. Mặc dù buôn bán người được Liên Hiệp Quốc thừa nhận là một vấn đề toàn cầu...

Nhóm les

Trong năm 2008 có hơn 200 lượt khách hàng hỏi các chuyên gia tư vấn Linh Tâm về chủ đề đồng tính tập trung ở một số câu hỏi như: Tôi bị đồng tính nên làm thế nào? Đồng tính có lây không? Tôi có xấu không khi là người đồng tính? Tôi phải làm sao khi phát hiện...

Phòng chống BLGĐ

Tháng 1/2008 đường dây Phòng tư vấn và cung cấp thông tin về chống bạo lực gia đình phối hợp giữa tổ chức phi lợi nhuận CSAGA và Linh Tâm chính thức vận hành. Đây là một phần việc chính nằm trong khuôn khổ của dự án "Xây dựng mạng lưới tự lực dành cho người bị...