Văn hoá “bìu dái”

Cá nhân tôi – với tư cách là một phụ nữ, và cũng là một người thuộc nhóm dân tộc thiểu số - tôi thấy anh xứng đáng nhận sự trừng phạt này. Tôi mong rằng đây là bài học không chỉ riêng cho anh bạn đồng nghiệp, mà cho cả những người có văn hoá ứng xử như này nói chung.

Ở đây không chỉ là chuyện một người đàn ông vô duyên vô cớ nhục mạ một phụ nữ xa lạ, không gây hại cho ai; dùng từ ngữ mạt sát cả một cộng đồng khác. Nếu ở nước ngoài, chắc chắn danh tiếng, sự nghiệp của anh tiêu tan trong 5 giây, đặc biệt khi anh làm báo, nghề nghiệp đòi hỏi sự trung thực, khách quan và công bằng với mọi cộng đồng, mọi người, mọi góc nhìn và mọi hệ giá trị.

Sự việc ồn ào này – tôi mạn phép dùng từ ngữ trần trụi - là đỉnh điểm của một dạng “văn hoá bìu dái” tồn tại quá lâu trong cộng đồng người Việt, đã đến lúc phải lên án mạnh mẽ. Những người đàn ông tự cho mình được quyền bình phẩm, chê bai, nhạo báng cơ thể phụ nữ, thể hiện một kiểu “quyền lực giống đực”, coi phụ nữ chỉ là công cụ tình dục – không hơn.

Trước khi làm Người, chúng ta là Con. Con Người luôn đi liền với nhau, và hẳn đàn ông – đàn bà ở nền văn hoá nào trên hành tinh đều có những ham muốn phần con của mình, nhưng thể hiện ra thế nào phụ thuộc vào văn hoá hành xử.

Những người tự cho mình quyền được bình phẩm, cười cợt và khiêu khích, một dạng quấy rối tình dục bằng lời nói, lại tự cho rằng như thế mới thể hiện chất đàn ông; rằng đàn ông đích thực nhìn thấy phụ nữ là phải nhộn nhạo tất cả mồm miệng chân tay. Đấy đích thị là những con người của “nền văn hoá bìu dái” Từ quấy rối bằng lời đến bằng hành vi là một khoảng cách rất ngắn.

Thật đáng tiếc, loại “văn hoá bìu dái” này còn được cổ xuý, được coi là bình thường, thậm chí là một kiểu văn hoá giao tiếp. Giữa đám đông, những quý ông cao giọng khoe khoang khả năng giường chiếu của mình, và không quên đưa thêm “ngực em T, mông em D” vào bài thuyết trình.

Chưa dừng lại đó, họ tiến thêm một bước là định hình, xếp loại phụ nữ theo khẩu vị giường chiếu của họ. Theo cách đó, những người phụ nữ có làn da sáng màu, ngực to, chân dài mới xứng đáng là phụ nữ, đáng được ban phát những lời khen tặng. Những người có đặc điểm cơ thể khác – hoặc nói theo cách trần trụi hơn – những người không có đặc điểm cơ thể khiến cho cái bìu của họ nhộn nhạo thì đều đáng bỏ đi, và tệ hơn là bị chê bai miệt thị.

Chuyện cô hoa hậu có làn da tối màu là ví dụ điển hình.

Hơn ai hết, chính tôi là người trải nghiệm quá nhiều loại “văn hoá bìu dái” này. Là một cô gái trẻ, là người từ nông thôn miền núi đến, và là người thuộc nhóm dân tộc thiểu số (Tày), tôi hội tụ đủ yếu tố để người ta hoặc thương cảm (theo cách kẻ cả thật lòng) rằng nó ngô nghê ngu đần, hoặc bị kỳ thị trực tiếp khi một người đáng tuổi cha chú yêu cầu tôi đừng nói to trong một cuộc hội thảo, vì giọng nói “không giống Hà Nội” của tôi, và những lời ỡm ờ cợt nhả về cơ thể theo nhiều cách.

Đến tận giờ, khi tôi không còn bị tổn thương bởi những thứ rác rưởi như vậy nữa, thì loại văn hoá này vẫn đang và sẽ tiếp tục làm tổn thương những cô gái trẻ, những phụ nữ khác. Tệ hơn là những người tự cho mình có quyền lực và ảnh hưởng xã hội mặc nhiên cho mình quyền chà đạp những người mà cơ hội cất lên tiếng nói không được như họ; làm tổn thương những cộng đồng không đông đúc bằng họ. Tôi phải lên tiếng.

Hơn ai hết, tôi hiểu cảm giác của cô Tân hoa hậu người Ede và sự sôi sục tức giận của cộng đồng dành cho người đồng nghiệp. Tôi cho rằng sự sôi sục đó là cần thiết và đúng đắn. Anh xứng đáng nhận sự trừng phạt này, và loại “văn hoá bìu dái” phải bị lên án kịch liệt.

#pnkhongphailacongcutinhduc#binhluanvanminh#pcbaoluctinhduc
(Facebook Nhà báo Hoàng Hường)

 Văn hoá “bìu dái”

Các bài viết khác

  • Văn hoá “bìu dái”

    Scandal “cái bìu hay cách gọi khác của nhà máy sản xuất con giống” đang làm cộng đồng mạng sôi sục. Một đồng nghiệp báo chí của tôi đã phải xoá bài...